Tài liệu chuyên ngành

Tóm tắt Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuyển khoáng Toàn quốc lần III (phần III)

23/10/2013 - Thứ Tư - 22:10 Lượt xem: 1
Phần III 3. CHẾ BIẾN, SỬ DỤNG KHOÁNG CHẤT CÔNG NGHIỆP VÀ KHOÁNG SẢN PHI KIM

NGHIÊN CỨU CẤU TRÚC VÀ ĐẶC ĐIỂM KHOÁNG HÓA NHẰM ĐỊNH HƯỚNG CÔNG NGHỆ TUYỂN QUẶNG SÉT TRÚC THÔN HẢI DƯƠNG

TS. Đào Duy Anh, TS. Nguyễn Văn Hạnh - Viện Khoa học Vật liệu-Viện KHCN Việt Nam

Mỏ sét Trúc Thôn có trữ lượng và chất lượng lớn và tốt nhất trong cả nước, từ lâu đã được khai thác, làm giầu để sử dụng cho sản xuất gạch chịu lửa và gốm sứ trong nước. Tuy nhiên do chưa có đủ điều kiện để nghiên cứu kỹ về đặc điểm cấu trúc của quặng nên các kết quả nghiên cứu và sản xuất chưa đạt được các sản phẩm như mong muốn. Với kết quả nghiên cứu mới trên hệ thống kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM-EDX), nhóm nghiên cứu đã xác định được chính xác cấu trúc và đặc điểm khoáng hóa cũng như dạng tồn tại của các tạp chất trong quặng; mở ra triển vọng mới cho công tác nghiên cứu tuyển tách các tạp chất có hại trong sét Trúc Thôn để có sản phẩm sét chất lượng cao.

QUI HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, TUYỂN QUẶNG APATIT LÀO CAI

KS. Phùng Đức Độ – Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Mỏ

Báo cáo giới thiệu Qui hoạch thăm dò khai thác, tuyển quặng apatit Lào cai giai đoạn 2008 – 2020, có tính đến năm 2020. Qui hoạch này được lập vào năm 2008 và phê duyệt năm 2009.

TỔNG HỢP NANO-CANXI CACBONAT TỪ NGUỒN ĐÁ VÔI YÊN BÁI BẰNG PHƯƠNG PHÁP KẾT TỦA TRỌNG TRƯỜNG CAO

CN. Hoàng Văn Đức,PGSTS. Lê Bá Thuận , TS. Hoàng Nhuận, TS. Trần Ngọc Hà, ThS. Nguyễn Thị Thục Phương, CN. Nguyễn Thị Thanh Thủy, KS. Nguyễn Minh Thư Viện Công nghệ Xạ hiếm, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam

Những năm gần đây, vật liệu nano được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học và các nhà sản xuất do những tính chất vượt trội của nó so với vật liệu dạng khối. Trong số các vật liệu có kích thước nano, canxi cacbonat là loại vật liệu có nhiều ứng dụng trong công nghiệp. Trong báo cáo giới thiệu một phương pháp mới “ phương pháp kết tủa trọng trường cao” để tổng hợp nano-CaCO3 từ đá vôi Yên Bái với kích thước trung bình 70 nm, độ phân bố kích thước hạt hẹp, sử dụng hệ thống phản ứng khí - lỏng - rắn. Bài báo cũng mô tả nguyên lý cơ bản của phương pháp kết tủa trọng trường cao, các thông số của thiết bị và các điều kiện thực nghiệm.

NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN VẬT CHẤT QUẶNG SERICIT SƠN BÌNH, HÀ TĨNH VÀ ĐỊNH HƯỚNGCHẾ BIẾN, SỬ DỤNG TRONG CÔNG NGHIỆP

TS. Nguyễn Văn Hạnh, TS. Đào Duy Anh - Viện Khoa học Vật liệu-Viện KHCN Việt Nam

Sericite là khoáng chất phi kim loại có ứng dụng rộng dãi và giá trị kinh tế cao. Trên thế giới, từ lâu sericite đã được khai thác, chế biến và sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở Việt Nam, gần đây đã phát hiện mỏ Sơn Bình, Hà Tĩnh có trữ lượng tài nguyên khá lớn. Kết quả nghiên cứu thành phần vật chất cho thấy đây là nguồn tài nguyên khoáng sản mới, có giá trị cao. Các đơn khoáng sericit có cấu trúc tương đối đồng nhất và độ tinh khiết cao nên có khả năng chế biến thành các sản phẩm để sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp.

NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TUYỂN THU HỒI TỔNG HỢP CÁC KHOÁNG VẬT TRONG QUẶNG CAO LANH- FENSPAT KHU VỰC PHÚ THỌ

TS. Nguyễn Văn Hạnh, TS. Đào Duy Anh, ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền Viện Khoa học Vật liệu - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trong quặng cao lanh - fenspat thường có sự cộng sinh của một số khoáng vật thuộc nhóm khoáng chất công nghiệp bao gồm kaolinit, mica, fenspat và thạch anh. Việc tuyển tách để thu hồi các khoáng vật cộng sinh là rất cần thiết, nhằm sử dụng tổng hợp tài nguyên và giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường. Trong nhiều năm qua nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Vật liệu phối hợp với Hội Tuyển Khoáng Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu công nghệ tuyển quặng cao lanh fenspát một số mỏ khác nhau của Việt Nam. Một số kết quả nghiên cứu đã và đang được áp dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Báo cáo trình bầy một số kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến để sử dụng tổng hợp quặng cao lanh – fenspat khu vực Phú Thọ.

NGHIÊN CỨU CÔNG NGHỆ TUYỂN GRAPHIT MỎ NẬM THI, LÀO CAI

ThS. Trần Thị Hiến – Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim

Mẫu nghiên cứu tuyển nổi quặng graphit mỏ Nậm Thi, Lào Cai có đặc điểm là graphit tồn tại ở cả dạng vảy và đặc sít. Các khoáng vật phi quặng là thạch anh, fenspat, mica và có hàm lượng 9,45%. Đã xác định chế độ tuyển thô: Độ mịn nghiền 50,37% cấp -0,071mm; pH=7,5; thủy tinh lỏng 500g/t; dầu hỏa 1000g/t; dầu thông 150g/t. Kết quả tuyển vòng kín với 7 lần tuyển tinh có nghiền lại quặng tinh 1 và 3 đã nhận được quặng tinh graphit có hàm lượng 85,32% C, đạt chất lượng xuất khẩu với thực thu 91,43%.

MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG TẬN THU NGUỒN NGUYÊN LIỆU KHOÁNG MICA

KS. Tạ Quốc Hùng- Viện Khoa học Vật liệu-Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Báo cáo giới thiệu các kết quả nghiên cứu tổng quan về nhóm khoáng vật mica, các ứng dụng nguyên liệu mica vào các ngành công nghiệp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Qua đó tác giả đề xuất các phương án nghiên cứu công nghệ để tận thu khoáng vật mica tại các nhà máy tuyển quặng caolanh – fenspat.

NGHIÊN CỨU HOÀ TÁCH QUẶNG MUỐI MỎ KALI CỦA CHDCND LÀO

TS. Nguyễn Thị Minh – Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Mỏ

Báo cáo giới thiệu kết quả nghiên cứu 02 mẫu quặng Kali của CHDCND Lào. Quặng Kali ở dạng sylvin và carnalit đều có thể chế biến bằng phương pháp hòa tách toàn phần, thu được quặng tinh đạt tiêu chuẩn sản xuất phân bón.

NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG KHOÁNG ĐOLOMIT LÀM PHỤ GIA CHỐNG CHÁY CHO VẬT LIỆU POLYME COMPOZIT

TS. Võ Thành Phong –Viện khoa học vật liệu-Viện KH&CN Việt nam

Hiện nay, các hợp chất chống cháy cho vật liệu polime compozit từ khoáng vô cơ đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu do loại hợp chất này có giá thành thấp và được coi là thân thiện môi trường. Công trình này sử dụng một loại khoáng để làm đối tượng nghiên cứu chất chậm cháy (ức chế lửa), đó là khoáng Đolomit. Một số phương pháp phù hợp đã được sử dụng để khảo sát tính chậm cháy và cấu trúc hình thái của vật liệu polime compozit chống cháy. Kết quả chụp hiển vi điện tử quét (SEM) cho biết được sự phân tán của chất độn trong polime compozit trên nền nhựa polieste không no. Các kết quả đo UL-94 và tính năng cơ lý cho thấy vật liệu polime compozit độn 100% phần trọng lượng Đolomit sẽ cho tính chất tối ưu nhất.

PHƯƠNG PHÁP KHAI THÁC HOÀ TÁCH TẠI VỈA MUỐI CARNALITE

TS. Nguyễn Hoàng Sơn – Trường Đại học Mỏ Địa chất

Bài báo giới thiệu khái niệm, nguyên lý cơ bản, các giai đoạn tiến hành và ưu điểm của phương pháp khai thác, hòa tách tại vỉa muối carnalite.

NHÀ MÁY TUYỂN NỔI QUẶNG APATIT CAM ĐƯỜNG TỪNG BƯỚC HOÀN THIỆN VÀ SẢN XUẤT ỔN ĐỊNH

KS. Nguyễn Văn Tạo – Công ty Apatit Việt Nam KS. Phùng Đức Độ – Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ

Báo cáo giới thiệu nhà máy Tuyển nổi quặng apatit loại III Cam Đường, công suất 120.000t/năm quặng tinh có hàm lượng >32% P2O5. Công trình do tập thể KHCN trong nước tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, thi công xây dựng và đưa vào hoạt động, sản xuất ổn định. Công trình đánh dấu một bước trưởng thành mới của đội ngũ KHCN Tuyển khoáng Việt Nam.

NGHIÊN CỨU CHẾ TẠO THUỐC TUYỂN QUẶNG APATIT LÀO CAI

KS. Hà Văn Vợi, KS. Phùng Đức Độ – Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam

Báo cáo giới thiệu quá trình nghiên cứu điều chế thuốc tuyển quặng apatit của Viện Hóa học công nghiệp và ứng dụng vào thực tế từ năm 1993 đến nay. Đồng thời cũng vạch ra những hướng nghiên cứu mới về đề tài này.


Tin khác
Thời tiết
39°C
Thống kê
460
169
52
10,358,099
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 74.580 76.180
Đối tác